Ba ơi, mình đi đâu?




Jean-Louis Fournier, một bậc thầy trào phúng đen, ở tuổi 70 đã quyết định đối diện với sự thật về nỗi đau tật nguyền của hai đứa con trai mình bằng văn chương. Ông viết “Ba ơi, mình đi đâu?” như một món quà tặng các con ông và hơn hết cả đó là lời xin lỗi từ một người cha khả kính để mong các con ông tha thứ. Góp phần tạo ra những cuộc đời đau khổ, ông cảm thấy chính mình là kẻ có lỗi.

“Ba ơi, mình đi đâu?” là câu chuyện thường ngày của người bố và hai cậu con trai nhỏ được kể qua từng chương ngắn, chỉ vọn vẹn một đến hai trang nhưng khiến người xem không thể bỏ sách xuống. Ở đó không có những cấu trúc rối rắm, những ý tưởng phức tạp và xa vời, dễ làm người đọc nản lòng. Tất cả những gì được bày ra chỉ là những chi tiết nhỏ trong đời sống của hai đứa trẻ tật nguyền và bố chúng. Những tưởng câu chuyện sẽ bi lụy và buồn bã. Nhưng sự thật, trước những gì Fournier kể, điều đầu tiên người ta phải làm là bật cười. Chất hài hước, theo chủ định của tác giả, là một niềm trìu mến không hề trau chuốt. Để sau những nụ cười ấy, ta chợt nhận ra sự chua chát, nỗi đau và tình thương yêu vô bờ bến mà người cha dành cho hai đứa con của mình.

Sinh đứa con trai đầu lòng, Fournier và vợ ông, cũng như bao cặp vợ chồng khác, hồ hởi đặt tên cho con “theo lối thượng lưu, cộng thêm sự tham khảo đôi chút về tôn giáo”, chuẩn bị những tấm thiệp thông báo con trai họ chào đời. Ai ngờ đứa bé sau khi sinh được kết luận vĩnh viễn không thể phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Đó như một ngày tận thế. “Những ai chưa từng sợ có một đứa con bất thường hãy giơ tay. Chẳng có ai giơ tay cả. Mọi người đều nghĩ đến chuyện đó, như nghĩ đến một trận động đất, như nghĩ đến ngày tận thế, thứ gì đó chỉ xảy ra một lần. Tôi có tới hai ngày tận thế.” Đứa con thứ hai chào đời, không lâu sau đó cũng được kết luận tật nguyền vĩnh viễn hệt như anh trai nó. Để ba mươi năm sau, người bố tìm thấy những tấm thiệp kiểu cổ điển, giấy đã ngả vàng lần lượt của Mathieu và Thomas. Những tấm thiệp báo tin chúng chào đời vẫn ở đúng vị trí mà chúng nên ở trong suốt ba mươi năm qua, dưới đáy ngăn kéo.



Quá trình trưởng thành sau đó của hai đứa trẻ với biết bao điều chua xót được kể lại một cách hài hước và chân thực để liền sau những nụ cười người ta phải suy ngẫm và đôi khi bật khóc.

Đó là lúc người bố đi mua quà giáng sinh cho con trai, nhân viên cửa hàng đồ chơi cứ khăng khăng hỏi ông mua quà cho trẻ em mấy tuổi và anh ta bắt đầu tư vấn rất nhiệt tình về những mô hình lắp ráp, miếng ghép bản đồ. “Anh ta còn giới thiệu với tôi bộ trò chơi Nhà Hóa học Nhỏ tuổi, cho phép bọn trẻ tiến hành tại nhà các thí nghiệm tạo ánh sáng và gây nổ làm phát ra đủ mọi sắc màu. Tại sao là không là bộ trò chơi Kẻ đánh bom liều chết Nhỏ tuổi với chiếc đai lưng buộc đầy thuốc nổ để giải quyết triệt để vấn đề nhỉ…” Năm nào người bố cũng lắng nghe nhân viên cửa hàng đồ chơi nhưng sau đó bao giờ ông cũng chọn cho Mathieu một hộp các hình lập phương và mua cho Thomas những chiếc ô tô nhỏ mặc kệ vẻ mặt khó hiểu của tay nhân viên và các đồng sự của anh ta.

Đó là khoảnh khắc người bố băn khoăn “Mathieu và Thomas sẽ không bao giờ có Thẻ xanh (*) hay thẻ đỗ xe trong ví. Chúng sẽ không bao giờ có ví, tấm thẻ duy nhất của chúng sẽ là thẻ chứng nhận tật nguyền. […] Thị trưởng, người không hề ảo tưởng về khả năng phát triển của chúng, đã cấp cho chúng tấm thẻ “Tật nguyền vĩnh viễn”. […] Đến nay, tấm thẻ vẫn giúp ích cho tôi. Thỉnh thoảng tôi lại để nó lên kính chắn gió trước xe mỗi khi đỗ sai quy định. Nhờ bọn trẻ, tôi tránh được một khoản phạt.”

Đó là khi Mathieu qua đời ba ngày sau ca phẫu thuật giúp cột sống thằng bé có thể thẳng lên đôi chút. Vì lưng nó ngày càng còng đến nỗi nó không thở được. “Khi chúng tôi đưa nó đi dạo, nó chỉ nhìn đôi bàn chân mình, nó thậm chí không thể thấy bầu trời. Có lúc tôi tưởng tượng ra mình cắm lên mũi giày nó những chiếc gương nhỏ, giống như những cái kính chiếu hậu phản chiếu giùm nó bầu trời.”

Đó còn là bao nhiêu những câu chuyện châm biếm hài hước nhưng đầy đau đớn của người cha có đến hai ngày tận thế.

Chọn lối diễn đạt trào lộng, gây cười cho một câu chuyện đau xót, bậc thầy trào phúng đen đã nhắc chúng ta rằng phải chăng chúng ta đã luôn đối diện những kẻ mà cá nhân ta cho là đáng thương bằng một thái độ thương hại cực đoan để rồi họ không bao giờ có cơ hội sống như một người bình thường nữa.

“Ba ơi, mình đi đâu?” là câu chuyện về một thế giới của bóng tối với tật nguyền, những nỗi đau, sự thất vọng và day dứt. Dưới sự dẫn dắt của Fournier, khi gấp sách lại cũng là lúc ta từ bỏ hoàn toàn bi lụy. Bởi vốn dĩ người cha có hai ngày tận thế ngoài đời thật này, bằng câu chuyện nhỏ nhưng lay động tâm can mạnh mẽ, dung dị và độc đáo, đã vừa thắp lên trong ta những niềm vui sống căn bản, dẫu nhỏ bé nhưng không bao giờ tắt. Đó là một trong những lý do khiến kiệt tác “Ba ơi, mình đi đâu?” giành được giải Fémina và từng là tâm điểm của Văn học Pháp.



Nguyễn Vĩnh Thông

 

BA ƠI, MÌNH ĐI ĐÂU?, nguyên tác OÙ ON VA, PAPA? của Jean-Louis Fournier, Phùng Hồng Minh dịch, NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam phát hành.

(*) Thẻ xanh: thẻ tín dụng

Bài viết cộng tác báo Tuổi trẻ nhưng bị trả lại do sách đã phát hành từ năm 2009, không mang tính thời sự cho một bài báo. Nhưng không sao, bài viết review sách Khu vườn mùa hạ (vừa mới được Nhã Nam xuất bản) đã được thông báo sẽ on air rồi, mọi người chờ đọc trên Tuổi trẻ cuối tuần nhé.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s