“là những lúc đứt lìa cách xa”


 

Khi những hoài nghi trong tôi lớn dần, đời sống chỉ còn là một cuộc vui mà ở đó chẳng ai có tư cách gì cả.

Phê phán hay xét đoán chỉ kéo chúng ta vào những cuộc cãi vã triền miên.

Rồi những ai sẽ đi đến những đâu trong đời.

Hay cuộc đời này thực ra chẳng có mấy để mà đi. Bởi có đi đến đâu thì vẫn thế thôi, ta vẫn là ta như thế mà chẳng mảy may một đổi khác. Chẳng thể nối kết thêm cũng chẳng thể vứt bớt đi.

Tôi đã ngây thơ mà tin rằng bằng cách cảm thông cho nhau chúng ta sẽ có thể làm đầy phần nào sự trống trải trong từng cá thế.

Nhưng bản năng loài người thì lớn, mà đầu óc tôi nhỏ hẹp.

Rồi sẽ luôn có những thằng muốn đứng ở chỗ cha chú người khác. Sự cảm thông chỉ là bắt thang để chúng leo nhanh hơn. Bằng cách đó, chẳng còn ai cảm thông cho ai cả. Và bằng cách đó, chúng ta ngày càng rỗng, ngày càng đơn độc.

 

 

Càng sống, tôi càng thấy mình ngờ nghệch. Sự chân thành tưởng chừng đơn giản bao nhiêu hóa ra là thứ xa vời.

Lòng tin được thương mại hóa. Toan tính. Lọc lừa.

Có những buổi chiều tôi thấy mình tuyệt vọng vì kiếm tìm sự thật lòng trong đời sống này. Tôi đau đớn vứt bỏ niềm tin thơ ngây rằng người ta sẽ đối xử với tôi hệt những gì tôi dành cho họ.

Tôi và chân thành của tôi hóa ra chỉ là nấc thang để họ giẫm lên tôi dễ dàng hơn.

Dù vậy, tôi không có ý định thay đổi mình. Tôi vẫn sẽ sống như tôi đang sống. Điều đó có nghĩa rằng thế giới của tôi dần thu hẹp lại.

Cuộc đời bỗng chốc nhỏ bé và vô nghĩa bao nhiêu.

Tôi chợt nhận ra mình hiểu vì sao Kizuki tự tử ờ tuổi 17. Khi người ta ý thức mạnh mẽ về đời sống, cách duy nhất để tiếp tục sống là chết đi. Bằng không người ta sẽ đày đọa bản thân bằng tự vấn.

Những câu hỏi cài cắm vào da thịt đến tứa máu. Những lúc đứng mãi ở một góc ngã tư đường, nghe não thoi thóp từng nhịp.

 

 

Tình yêu, trong cảnh trời đất người ngợm như thế, là cứu cánh hay là đá chất thêm vào những tầm tay đã thôi dài rộng?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vinh Thong Nguyen

24 thoughts on ““là những lúc đứt lìa cách xa”

  1. Chờ cơn mưa đến, xóa hết nỗi đau triền miên
    Ừ thôi anh nhé, ta chia tay nhau từ đây.

  2. Bạn ở đâu vậy, sao lại có bút danh trùng với tác giả Vĩnh Thông ở An Giang

  3. Ưm, đúng là có một tác giả chuyên viết về mảng miền Tây nhỉ

  4. Có 1 điểm giống là còn vài lỗi trong câu chữ chứ văn phong thì ‘giống-chết-liền’ :)

  5. Phường Vĩnh Thông, TP Rạch Giá và các đặc sản là kết quả google cho chúng ta B-)

  6. cái gì đang diễn ra ở đây thế.

    thứ nhất đây là tên khai sinh của mình nên mình hoàn toàn không có ý thay đổi.

    thứ hai, việc nhầm lẫn thì ko thể rồi vì lối hành văn là quá quá quá khác nhau, đọc là sẽ biết ngay.

    thứ ba, đây chỉ là nhật ký thường ngày thôi, cũng chẳng phải cái gì to tát.

    thứ tư, dù tên là Nguyễn Vĩnh Thông nhưng mình thường ký tên dưới bài viết là “Vinh Thong Nguyen”

    thứ năm, những bài báo trước h mình viết đều lấy tên Nguyễn Vĩnh Thông, truyện ngắn chọn in sách cũng lấy tên này, sau này có in tiểu thuyết hay gì đó thì vẫn dùng tên này thôi. trùng tên thì trên đời này thiếu gì, quan trọng là ai khẳng định đc cái tên của mình thôi.

  7. Chúng ta không nên đi sâu vào vấn đề này nữa.
    Hẹn bài mới của Thông nhe ^^

  8. LẠI CHUYỆN BÚT DANH – Trần Đức Tiến

    Một buổi sáng, liên tiếp có 4-5 cuộc điện thoại gọi đến, hỏi về chuyện tôi có thơ đăng trên mạng. Mở email, lại một bức thư dài 3 trang A4, của một bà lạ hoắc mãi tận Hà Tây (bây giờ là Hà Nội), bình tán, khen nức nở mấy bài thơ của tôi trên website của nhà văn Trần Nhương.

    Quá bất ngờ, tôi vội vào mạng kiểm tra. Trên trang web này có chùm thơ mới post thật, của một người ký tên Đức Tiến. Chết nỗi trong chùm thơ ấy, lại có đến mấy bài viết về Vũng Tàu! Thảo nào mà nhiều người nhầm tưởng là của tôi, kẻ đang sống ở Vũng Tàu, vẫn ký bút danh là Trần Đức Tiến. Tôi lập tức điện thoại cho anh Nhương, mới biết cái ông làm thơ ký tên Đức Tiến kia ở Quảng Trị. Anh Nhương bảo, để anh ấy mở ngoặc, thêm vào sau tên tác giả hai chữ “Quảng Trị”, cho mọi người không nhầm với Tiến Vũng Tàu. Nhưng ngày hôm sau, mở lại chùm thơ ra xem, chỉ trong ngoặc thêm 2 chữ viết tắt “QT”. “QT” thì bố thằng Tây cũng chịu chết không luận ra được.

    Bút danh – thương hiệu của người viết – thường gắn liền với cả cuộc đời viết lách của người ấy. Không mấy ai, khi đã có một bút danh nhiều người biết, lại bỏ đi dùng bút danh khác. Nhiều người tên thật một đằng, bút danh một nẻo, nhưng thiên hạ chỉ nhớ, chỉ yêu cái bút danh của anh, chứ tên thật thì người ta quên. Với người viết, cái bút danh rất quan trọng, còn thiêng liêng nữa. Chả thế mà với những người không muốn dùng tên thật làm bút danh, họ phải đau đầu lắm, lao tâm khổ tứ lắm mới nghĩ ra được bút danh cho mình. Và vì nó là “thương hiệu”, nên nó có “bản quyền”. Người hiểu biết, tự trọng thì không bao giờ lặp lại, hay nhái bút danh người khác. Nếu vô tình giống nhau, hoặc dễ lẫn vào nhau, thì cũng nên chủ động thay bút danh khác, để khỏi mang tiếng vi phạm “bản quyền”.

    Chuyện bút danh trùng nhau, nhái nhau đã có người nói rồi, nhưng xem ra trong thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp “xập xí xập ngầu”, chả hiểu vì sao. Chẳng hạn, đã có cụ Tô Hoài lừng lững trên văn đàn hơn cả nửa thế kỷ nay, lại bỗng dưng xuất hiện ông (bà) Tố Hoài (tác giả của mấy cuốn sách dày đáo để), chỉ khác nhau cái dấu sắc trên đầu chữ “ô”. Ở Biên Hoà có nhà thơ Trần Ngọc Tuấn được bạn yêu thơ biết đến từ nhiều năm qua, nay lại có bác Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hoà Czech cũng viết… đủ thứ. Để phân biệt 2 Tuấn, mọi người phải bảo “Tuấn Biên Hoà” với “Tuấn Séc”, thật rắc rối. Bà Rịa – Vũng Tàu có bạn trẻ viết văn Văn Thành Lê (từng được giải thưởng truyện ngắn báo Phụ nữ TP.HCM), hoá ra ở Quảng Nam từ hồi nào cũng đã có Văn Thành Lê viết truyện, viết ký. Rồi Nguyễn Hữu Quý nhà thơ (tạp chí Văn nghệ Quân đội) với Nguyễn Hữu Quý viết nhiều trên báo mạng, Nguyễn Thuý Quỳnh làm thơ ở Thái Nguyên với Nguyễn Thị Thuý Quỳnh làm thơ ở Sài Gòn. Đã có nhà thơ Thái Thăng Long, nay lại có thêm Nguyễn Thái Thăng Long viết báo. Nhà văn lão thành Đoàn Minh Tuấn chắc có lúc cũng giật mình vì có đến mấy ông Đoàn Minh Tuấn khác: ông làm thơ (được giải nhất thi thơ Văn nghệ quân đội hẳn hoi, nhưng bây giờ chắc đổi bút danh khác rồi), ông làm biên kịch, ông chụp ảnh – toàn những ông ít nhiều cũng có “tên tuổi” cả.

    Tôi chỉ tạm kể ra một số trường hợp như thế, chắc là chưa hết.

    Khi phàn nàn chuyện này với một người bạn trong nghề, bạn bảo: đến cái bút danh của mình mà cũng cẩu thả, lười nghĩ, nhập nhèm với người nọ người kia, thì còn viết lách cái nỗi gì.

    Còn tôi, tôi lại nhớ đến chuyện kiện cáo lùm xùm mới rồi trên báo chí: Công ty “Vincom” kiện Công ty “Vincon” (khác nhau chữ “m” và “n” ở cuối) về chuyện “Vincon” nhái thương hiệu. “Vincon” thua, phải đổi tên và bồi thường cho “Vincom” khẳm tiền.

    Trong làng văn làng báo bây giờ cũng còn nhiều “Vincon” lắm. Nhưng nói ra, thể nào cũng có ông cãi: tôi dùng tên thật làm bút danh, bố mẹ tôi đẻ tôi ra đã đặt tên cho như thế, việc gì tôi phải đổi?

    Đến nước ấy chắc chịu thua các ông!

    http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=7896

    • thật tình là mình không thích lằn nhằn cái chuyện này thêm 1 phút nào nữa. đây là chỗ riêng tư của mình, tên cha sinh mẹ đẻ của mình, mình có toàn quyền với chúng. mình cũng chẳng có bận tâm tác giả abc xyz nào đó trùng bút danh với mình, nếu thích thì họ hãy tự đổi đi.

      mình vẫn sẽ dùng cái tên này, trừ khi bản thân mình ko còn thích nó nữa thì mình mới đổi. còn ai làm gì làm, mình không bận tâm. tên mình mình dùng, ai muốn dùng bút danh gì thì tự mà khẳng định tên tuổi mình bằng bút danh đó đi. mình không cấm. làm sao để khi nhắc đến “vĩnh thông” thì ng ta nghĩ đến mình chứ ko phải một ai đó cũng dùng chữ “vĩnh thông”.

  9. ‘Mùa đông không biết hát những bài tình ca biết yêu
    Là những tiếng mưa phùn rơi ngập ngừng
    Mùa đông không biết hát nắm tay gần nhau biết yêu
    Là những lúc đứt lìa cách xa..’
    Ngân nga & thay lời kết.

Leave a reply to Vinh Thong Nguyen x