Bài đăng trên Báo Phụ Nữ – Số ra ngày 10.06.2016.
Võ Thị Xuân Trang (Hiệu trưởng trường John Robert Power) – một người phụ nữ “phải lòng” cái đẹp và sự hoàn hảo từ bé, rồi trở thành chuyên gia đào tạo, cố vấn xây dựng hình ảnh cá nhân. Lê Thu Hiền (Giám đốc công ty May No Hashi) – người được biết đến bởi tình yêu và sự am hiểu văn hoá, rồi từ đó, truyền đi bao nhiêu thông điệp, cảm hứng làm đẹp cho những người phụ nữ. Nguyễn Vĩnh Thông (nguyên Copywritter, Ogilvy Vietnam) – người trẻ trưởng thành trong thế giới copywritter đầy căng thẳng, gấp gáp; lại bao lần lan toả sự rung động với những nhịp điệu tự nhiên, bình dị của đời sống, và cả những tinh tế lịch thiệp của con người. Họ, bằng cách ấy, cũng yêu thời trang và đã cùng chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện này.
Theo các anh chị, thành ngữ “người đẹp vì lụa” liệu có còn đúng không, khi nó khẳng định sự lệ thuộc vào trang phục của nhan sắc con người – điều vẫn được xem là giá trị trung tâm trong thời đại này?
Lê Thu Hiền: Tôi nghĩ câu này vẫn còn đúng và sẽ luôn đúng, nhất là khi đã qua thời ăn no mặc ấm, đến thời “ăn ngon mặc đẹp”. Khi người ta am hiểu nhiều hơn về thời trang và về chính cơ thể mình, “lụa” sẽ càng thành phương tiện giúp người ta đẹp hơn, tự tin hơn.
Võ Thị Xuân Trang: Làm việc trong lĩnh vực phát triển cá nhân, tôi càng thấy rõ giá trị của trang phục đối với vẻ đẹp của mỗi người, nhất là người phụ nữ. Không chỉ “đẹp”, “lụa” còn có thể nói cho người đối diện biết về nghề nghiệp, tài chính, lối sống và thẩm mỹ của bạn.
Nguyễn Vĩnh Thông: Nhưng, hãy nhớ giúp mình, sau cái đẹp phải là cái “hay”. Một cô gái đẹp mà vô hồn, hay tệ hơn là… vô duyên thì “lụa” không cứu nổi. Nhưng ngược lại, bạn hay, bạn duyên nhưng bạn nhếch nhác thì người ta cũng không có thời gian dành cho bạn để bạn kịp mở lời.
“Phụ thuộc” vào trang phục là thế, vậy, phụ nữ có thể mượn chính nó để truyền đạt một thông điệp nào đó không?
Võ Thị Xuân Trang: Tôi nghĩ, những người thông minh đều hiểu trang phục là một kênh mà họ có thể chủ động đầu tư để thể hiện bản thân. Nếu muốn thể hiện sự quyền lực, bạn buộc phải mặc những trang mục sang trọng, quyền lực; nếu muốn gần gũi, thân thiện, bạn có thể mặc quần Jean, áo thun; còn những chất liệu dày thì thể hiện sự ấm áp, gần gũi. Có điều, ngược lại, trang phục – với những thông điệp nó mang theo – cũng quy định ngôn ngữ cơ thể của bạn trong suốt ngày hôm đó. Nếu mặc đồ Jean, bạn phải hoạt bát, năng động. Khi khoác lên người tấm áo tơ lụa, bạn sẽ uyển chuyển, mềm mại…
Lê Thu Hiền: Dĩ nhiên, trang phục là một “name card” thứ hai của một người phụ nữ. Một lần, khi gặp một người Nhật cho một công việc riêng, tôi có chọn một chiếc áo vải lụa Việt Nam nhưng có thêu hình con hạc – hình ảnh tượng trưng của văn hoá Nhật. Vừa bước vào cửa phòng, tôi cảm nhận được ngay là mình đang được nhìn với ánh mắt đặc biệt, và mọi việc sau đó diễn ra rất suôn sẻ. Với tấm áo ấy, tôi vừa giới thiệu được sản phẩm của Việt Nam, vừa “ghi điểm” được với người Nhật ấy bằng chi tiết về văn hoá của nước họ. Điều đó nói rằng, tôi hiểu và sẵn sàng hoà điệu với họ.
Nguyễn Vĩnh Thông: Mình nghĩ thế này, phụ nữ đẹp nhất khi họ là chính họ và ấn tượng nhất khi họ thể hiện được chất riêng của mình. Một cô gái tinh tế sẽ xuất hiện phù hợp với từng bối cảnh giao tiếp khác nhau nhưng vẫn đồng nhất ở một một phong cách, một dấu ấn riêng của của cô ấy. Nếu chỉ đơn thuần là biến hóa đủ mọi cung bậc thì… Cũng giống như làm truyền thông vậy, bạn đưa ra quá nhiều thông điệp thì cuối cùng người nghe chẳng biết phải nhớ cái nào. Và họ quên tất.
Coco Chanel từng nói một câu rất nổi tiếng: “Những người phụ nữ không dùng nước hoa thì không có tương lai”. Vậy, trong khi “thông điệp” hay “ngôn ngữ cơ thể” đều là những điều thay đổi mỗi ngày, chóng vánh như việc thay một tấm áo; thì thời trang nói chung của một người phụ nữ, có nói lên điều gì về tiềm năng của họ, tương lai của họ không?
Lê Thu Hiền: Tôi tin, trang phục còn thể hiện sức mạnh nội tâm của người mặc. Tôi luôn đánh giá cao những người chăm chút bề ngoài và luôn trau dồi kiến thức – đó là hai “gương mặt” của một người phụ nữ. Những người như vậy có xác xuất thành công rất cao.
Nguyễn Vĩnh Thông: Đúng vậy, tạo được một dấu ấn thông qua ăn mặc là điều mà người ta chỉ làm được khi họ hiểu rất rõ về chính mình và biết mình muốn gì. Mà những người thành công là những người trước hết phải biết rõ mình thật sự muốn gì.
Võ Thị Xuân Trang: Bạn có thể theo phong cách gợi cảm, truyền thống, phá cách, nữ tính hay thậm chí… dramatic; nhưng bạn phải chỉn chu trong trang phục thì bạn mới được tin cậy. Tôi không thể giao một trọng trách quan trọng cho một người hay ăn mặc tuềnh toàng. Người ta có quyền đặt câu hỏi: “Làm sao bạn có thể chỉn chu trong công việc, khi bạn xuề xoà ngay với cả bộ quần áo bạn đang mặc trên người?”. Tôi có thể nói rằng, chừng nào bạn chưa đầu tư đúng mức cho trang phục công sở, thì chừng ấy, bạn vẫn rất khó thăng tiến. Còn ở nhà, nếu bạn ăn mặc như một… bà già, thì trong mắt ông xã, bạn cũng sẽ là một bà già thôi. (Cười)

“Sẽ không có gì đô hộ được cái đẹp của bạn nếu bạn đẹp từ gốc chứ không phải đẹp ngày một ngày hai bằng việc tỉa tót phần ngọn.”
Nhưng, trong cuộc chơi này, “lụa” cũng đẹp vì “người” chứ? Tức là, vẻ đẹp của trang phục cũng phụ thuộc vào chính chúng ta nữa chứ, thưa anh chị?
Võ Thị Xuân Trang: Dĩ nhiên, một người phụ nữ đẹp, một thân hình nhiều đường cong sẽ làm một chiếc váy ôm trông tuyệt vời hơn. Một làn da trắng đẹp sẽ làm màu hồng phấn, màu cà rốt nhạt đẹp hơn. Hoặc, có cả những chiếc áo rất quái dị, nhưng lại đẹp hẳn lên với những thông điệp phá cách hẳn hòi khi được mặc vào một người cá tính. Nhưng, tôi nghĩ, điều quan trọng nhất trong cuộc chơi này là hãy để trang phục làm mình đẹp hơn.
Nguyễn Vĩnh Thông: Vấn đề này lại còn tùy bạn muốn gì? Bạn muốn là một fashionista, một biểu tượng thời trang thì bạn phải giữ dáng để có thể mặc được tất cả mọi trào lưu thời trang. Nhưng nếu bạn là food-blogger, ăn uống vừa là công việc vừa là niềm vui thì đâu có lý do gì bạn phải ép bản thân từ bỏ niềm vui và công việc để ướm cho vừa vào những chiếc váy quay ôm sát hợp trào lưu trong khi nó chẳng hề làm bạn vui. Lúc này cô gái thông minh là cô gái biết chọn những trang phục để vẫn che được cơ thể có đôi chỗ hơi “mủm mĩm” nhưng vẫn đẹp, vẫn chất.
Thế nhưng, lựa chọn của nhiều chị em sành điệu vẫn phụ thuộc phần lớn vào xu hướng, vào thương hiệu. Vậy, trong công cuộc chọn lựa trang phục, chọn gu ăn mặc để thể hiện mình mỗi ngày, chúng ta đã vô tình trở nên phụ thuộc vào chính trang phục, phải không?
Lê Thu Hiền: Với tôi thì thời trang chỉ đơn giản là phù hợp và giúp mình đẹp hơn. Còn những thương hiệu, xu hướng quốc tế hay gì khác, không phải là điều quan trọng nhất. Cụ thể, trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, môi trường làm việc, thời tiết, đặc biệt là vóc dáng và cơ thể người mặc. Trong bất kỳ một cuộc tương tác nào, con người vẫn phải luôn là chủ thể quyết định. Có đôi khi trang phục chưa thật chỉn chu thì thần thái và tính cách của người mặc sẽ làm lu mờ bớt đi khuyết điểm kia.
Võ Thị Xuân Trang: Tôi yêu thích việc mặc đẹp, nhưng tôi không đồng ý với việc chạy theo xu hướng, thương hiệu; cũng không dám khẳng định mình ăn mặc có gu. Thứ nhất, dù là xu hướng nào, thương hiệu nào thì áo quần cũng chỉ có một lý do duy nhất để tồn tại: khiến cho bạn đẹp và phù hợp hơn với nơi bạn xuất hiện. Thứ hai, gu ăn mặc, theo tôi, là chuyện của những chuyên gia, những fashionista, còn thường thì rất khó tìm thấy người thực sự có gu ăn mặc. Vậy nên, chạy theo những điều đó là một điều không cần thiết.
Nguyễn Vĩnh Thông: Bạn sẽ không phụ thuộc nếu bạn có tiếng nói riêng, sự kiêu hãnh riêng, vẻ đẹp riêng và dấu ấn riêng. Nó là một câu chuyện dài bắt đầu từ việc định hình những giá trị sống riêng. Từ đó mới dẫn đến những lựa chọn về thời trang sao cho làm nổi bật được giá trị sống mà bạn theo đuổi. Sẽ không có gì “đô hộ” được cái đẹp của bạn nếu bạn đẹp từ gốc chứ không phải đẹp ngày một ngày hai bằng việc tỉa tót phần ngọn.
Gần đây, trên thế giới lại rộ lên những trào lưu tối giản đời sống. Đây được cho là một biểu hiện của lối sống văn minh – trong đó, trang phục là một trong những yếu tố đầu tiên cần được tối giản. Họ không xem trang phục là một “kênh” biểu đạt vẻ đẹp con người. Họ trân trọng những cái đẹp tự nhiên, và trân trọng tự nhiên bằng cách sống tối giản để hạn chế việc khai thác nó. Trào lưu này, có mâu thuẫn với những gì chúng ta đang chia sẻ?
Lê Thu Hiền: Cần hiểu rõ tối giản không phải là quá đơn giản, sơ sài hay không đầu tư. Theo tôi phải là những ai thật sự tự tin, có trình độ thẩm mỹ tốt, có chính kiến rõ ràng và ít bị tác động bởi ý kiến người khác thì mới phù hợp phong cách tối giản. Phong cách tối giản không chỉ thể hiện ở quần áo mà còn là phong cách sống và năng lượng sống nói chung. Mà đây lại là một khái niệm rất rộng.
Võ Thị Xuân Trang: Mỗi trào lưu đều có cái hay của nó. Tôi đồng ý rằng không nên phung phí vì trang phục. Tôi biết, thậm chí, có những nhân viên trong nhiều tập đoàn toàn cầu lại mặc đồ ngủ trong phòng làm việc, vì họ phải làm việc cả ngày đêm, và chỉ ăn mặc cốt sao cho thoải mái. Nhưng, bạn thấy đó, “đơn giản” lúc này không phải là một lựa chọn nữa, mà do tính chất công việc buộc họ phải thế. Nhưng nếu cứ ăn mặc thế mà tiếp khách trong phòng làm việc, và xem nó như một sự tối giản của lối sống – thì tôi không thích ý tưởng đó chút nào. Bản thân tôi, nếu được tiếp bằng một chủ nhà đang mặc đồ ngủ, tôi sẽ thấy mình không được tôn trọng. Hơn nữa, trong những giao tiếp công việc, bạn không nên tối giản hình ảnh bản thân bằng cách tối giản trang phục. Điều đó sẽ giới hạn hiệu quả giao tiếp. Tôi không biết trào lưu tối giản ấy sẽ đi về đâu, nhưng hàng trăm năm nay, người ta ngày càng tin vào giá trị của trang phục với vẻ đẹp con người, và tôi tin chắc là trong vòng một trăm năm tới, điều đó vẫn sẽ không thay đổi. Vậy nên, tôi vẫn cần mặc đẹp, để lịch sự, để hoà điệu, để tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác.
Nguyễn Vĩnh Thông: Sự tối giản là đỉnh cao của cái đẹp, nó trả cái đẹp về với những giá trị đẹp chân phương nhất. Muốn mặc đẹp một cách tối giản không hề dễ, nó đòi hỏi một trình độ cao hơn về thẩm mỹ mà ở ngưỡng đó tự thân thần thái của bạn đã là một cái đẹp, cộng thêm sự tinh tế trong phối hợp trang phục thì lúc này cái đẹp đó là độc tôn, là của chính bạn mà không ai có thể sao chép dù họ có cố gắng vận vào người bộ trang phục hệt như của bạn. Cũng cùng một cái khăn choàng trơn màu mà người tinh tế choàng hờ hững hơn một chút nó đã khác, khác rất xa về hiệu quả cảm nhận. Cũng cùng một cái sơ-mi trắng mà người có gu chọn form đẹp hơn hay biết mở thêm một chiếc nút áo thì nó đã là một hình ảnh khác, khác hoàn toàn. Tối giản, một lần nữa, là đỉnh cao của cái đẹp chứ không hề là một bước lùi mâu thuẫn trong hành trình tiến đến cái đẹp của con người.
MINH TRÂM (thực hiện)
Nhắn với bạn đọc
Chị Lê Thu Hiền: Thành công trong việc lựa chọn trang phục nằm ở việc lưu được dấu ấn với người bạn gặp gỡ. Để làm được như thế, bạn nên:
– Chọn những trang phục không được sản xuất đại trà.
– Đầu tư một đôi giày và túi xách thật đẹp
– Tạo điểm nhấn bằng màu son phù hợp.
– Và hãy nhớ, bạn luôn luôn đẹp hơn, nữ tính và gợi cảm hơn với giày cao gót.
Chị Võ Thị Xuân Trang:
– Gam màu là điều bạn cần lưu ý khi chọn trang phục. Xu hướng phân biệt gam màu hiệu quả nhất hiện nay là phân theo mùa. Làn da thuộc gam màu của mùa nào, thì tuân theo những nguyên tắc phù hợp/choải màu của mùa đó. Bạn có thể lên mạng tìm hiểu xem da mình thuộc gam mùa gì để chọn màu trang phục cho phù hợp. Bởi, sự choải màu có thể làm mất giá trị của những món đồ đắt tiền.
– Bạn có thể thiếu kiến thức về thời trang, nhưng đừng thiếu hiểu biết về cơ thể mình. Hãy quan sát xem mình thuộc dáng người nào bằng cách đo chiều dài từ mép dưới của quần lót xuống gót chân, và lên đỉnh đầu. Nếu hai khoảng cách này bằng nhau, bạn là người cân đối. Nếu khoảng dưới dài hơn, bạn là người chân dài, lưng ngắn (hãy chọn trang phục khoe được chân dài, và tuyệt đối không mặc áo ngắn – nó sẽ khiến bạn mất cân đối khi đứng, và quá thấp khi ngồi). Nếu khoảng dưới ngắn hơn, bạn là người chân ngắn, lưng dài (hãy mặc quần lưng cao, mang giày cao gót).
– Hãy đầu tư cho trang phục công sở!
Nguyễn Vĩnh Thông:
– Mọi bí kiếp thời trang hay những lời khuyên rồi sẽ đều đến lúc qua mùa. Vấn đề ở nền tảng thẩm mỹ, nếu bạn có thẩm mỹ thì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào bạn cũng sẽ biết cách làm cho mình đẹp. Hãy biết mình muốn gì và hãy đẹp từ gốc.
– Bạn cần dành thời gian lắng nghe và tìm hiểu chính bản thân nhiều hơn bằng cách soi mình vào thế giới, khám phá mọi thứ xung quanh, tiếp cận nhiều với các loại hình nghệ thuật (văn học, âm nhạc, nhiếu ảnh, hội họa, kiến trúc, thời trang…). Tiếp xúc nhiều với cái đẹp thì thẩm mỹ của bạn sẽ phát triển.