Bẵng đi một thời gian dài tôi không viết gì, bởi tự thấy mọi điều trong lòng mình đều đã cũ. Tư duy cũ, đường hướng cũ, tự tôi đã nhìn nó thấu suốt mà không cần chiêm nghiệm thêm bằng con chữ. Trước kia, tôi nghĩ bằng cách viết ra, tôi có thể mang thêm một góc nhìn để mọi sự được soi xét kỹ thêm, người ta hiểu về đời sống này rõ thêm. Nhưng “để làm gì”, câu hỏi “để làm gì” đã chiếm lấy tôi suốt những ngày từ mùa đông sang mùa hè, và giờ là giữa mùa thu.
Thật đau buồn, sự hiểu biết không mang lại hạnh phúc. Chúng ta biết thưởng trà để rồi mãi không bao giờ uống được những thứ trà tầm thường nhạt nhẽo nữa. Khi không có thứ trà ngon tinh tuý, ta thấy buồn. Chúng ta biết uống cafe để rồi không thể nuốt nỗi một ngụm cafe mua vội trên phố. Chúng ta biết chân thành thực sự là như thế nào để rồi thấy buồn vì những tình cảm hời hợt suồng sã đầy quanh đây.
Càng hiểu biết người ta càng tinh tế và giàu trải nghiệm nhưng cũng càng mưu cầu, nên càng khó hạnh phúc.
Ông bà đã nói “Ngu si hưởng thái bình”. Tôi thật sự ngã mũ. Nếu bạn nhìn vào bản chất thật của hạnh phúc, câu nói này đúng đắn một cách hoàn hảo, không hề mỉa mai. Và rồi bạn sẽ thấy, cuối cùng thì, cái ngu là một tài sản, một đặc ân. Khi chúng ta ngu, một câu nói ngọt ngào chóp lưỡi viển vông cũng đủ làm ta vui, vui thật sự. Khi chúng ta ngu, chỉ cần có tiền là chúng ta thoả mãn. Khi chúng ta ngu, chúng ta dễ dàng chấp nhận và bỏ qua. Khi chúng ta ngu, một chuyến du lịch chỉ cần có hình đẹp là ta vui. Thật lòng, không có gì hơn thế, với tay đã nhặt được hạnh phúc đầy sân.
Khi bạn cố hiểu biết, bạn sẽ cần quá nhiều. Rồi bằng hiểu biết, bạn tự khép bớt nhu cầu lại vì bạn hiểu cuộc đời không như ý ai bao giờ. Sau đó bạn tạm có chút vừa lòng, vì bạn biết thế này là đủ rồi. Nhưng đó là hy sinh – thứ làm người ta khẽ chớp mắt chấp nhận, không phải hạnh phúc – thứ làm người ta vui, khoé mắt lấp lánh.
Tôi đã cố gắng vùng chạy bằng cách tập trung vào chính mình thay vì thế giới xung quanh. Tôi cố gắng đối xử tử tế với mọi người vì người hay thì làm điều hay, chứ chẳng vì ai đối tốt với tôi hoặc đã làm gì cho tôi. Khi làm việc gì, tôi tự hỏi mình có muốn điều này không thay vì điều này sẽ mang lại những gì. Dẫu thế, việc bẻ gãy các tương tác hai chiều với cộng đồng và xã hội không hề dễ dàng và cũng nhiều bất lợi.
Mỗi lúc như vậy, tôi lại tự hỏi “để làm gì”. Tôi cần tranh thủ mối quan hệ này để làm gì, tôi cần kiếm thêm nhiều tiền để làm gì, tôi đánh giá một người để làm gì? Chẳng để làm gì hết.
Chúng ta, tất cả chúng ta, rồi cũng là tro bụi trần gian mà thôi. Chúng ta hơn thua và làm cuộc đời phức tạp hơn là vì chúng ta ngu. Nhưng đau buồn thay, cái ngu lại dễ đem đến hạnh phúc và thoả mãn.
Bây giờ đã là giữa mùa thu.
H gửi cho một ít bánh trung thu theo kiểu Tô Châu (Suzhou), thức ngon tôi vẫn chờ đợi mỗi năm. Bánh được làm đúng theo truyền thống bởi một gia đình người Minh Hương sống ở quận 6. Họ chỉ làm một đợt bánh duy nhất trong năm với số lượng rất giới hạn. Chiếc bánh ngọt thanh với phần nhân bánh tan ngay trong miệng, hoà quyện tuyệt đối với lòng đỏ trứng muối thành một vị riêng đặc sắc nhưng rất mỏng mảnh khiến người thưởng thức lưu luyến, cứ muốn nhón thêm, nhón thêm.
Tôi pha một ấm trà Ô long ướp hoa Hoàng lan được chế biến thủ công tại một trà thất giữa lòng Hà Nội, trong bộ ấm tách Bát Tràng mua của bà cụ nép mình tránh giá lạnh một sáng mùa đông thủ đô năm nào đó, không còn nhớ rõ. Hoa cắt trong sân nhà. Cặp thỏ sắm trong lần giận H bỏ đi, tưởng duyên đã cạn, ấy mà vẫn chưa. Nến và thuốc.
Cuộc sống của người trốn khỏi thế giới chỉ có vậy thôi. Từ lâu tôi đã ít lui tới những chỗ hào nhoáng để tránh mình lại nhìn dè bỉu những người cố ra vẻ, kệch cỡm, tránh lại phạm vào thói thường đánh giá người khác. Nếu có đến thì cũng chỉ vì thức ăn ngon, rồi sẽ rời đi ngay. Thôi thì ai nên về chỗ người nấy để đời sống dịu dàng và dễ chịu hơn.
Tạm biệt.
Vinh T Ng
Saigon, 18.09.2018